Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hầu tòa vì cáo buộc nhận tài trợ bất hợp pháp
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ảnh: AFP/TTXVN
Nếu bị kết tội, ông Sarkozy có thể đối mặt với mức án tối đa 10 năm tù giam. Phiên tòa diễn ra trong bối cảnh trước đó Tòa án Tối cao Pháp giữ nguyên bản án quản thúc tại gia một năm đối với ông Sarkozy - trong một vụ án tham nhũng khác.
Vụ án này xuất phát từ một cuộc điều tra kéo dài hơn mười năm, do trang tin điều tra Mediapart công bố loạt tài liệu vào năm 2012. Theo cáo trạng, chính quyền của ông Moammar Gaddafi bị cáo buộc đã thực hiện các giao dịch tài chính trái phép, với tổng số tiền lên đến 50 triệu euro để hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy. Nếu được làm rõ, hành vi này vi phạm nghiêm trọng luật tài chính bầu cử của Pháp, trong đó giới hạn mức trần chi tiêu tối đa cho một chiến dịch tranh cử tổng thống là 21 triệu euro. Các công tố viên cho rằng số tiền trên đã được chuyển bất hợp pháp vào hệ thống tài chính Pháp thông qua các kênh trung gian - có dấu hiệu rửa tiền - nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của giao dịch.
Những nghi vấn về nguồn tài trợ từ Libya diễn ra từ năm 2011, khi nội chiến Libya bùng phát. Thời điểm đó, với tư cách Tổng thống Pháp, ông Sarkozy đã quyết định dẫn đầu chiến dịch quân sự của NATO nhằm lật đổ chính quyền của ông Gaddafi. Một tuần trước khi NATO không kích Libya, truyền thông nhà nước Libya tuyên bố sẽ công bố một "bí mật về Tổng thống Pháp". Ngày 16/3/2011, ông Saif al-Islam Gaddafi - con trai cố lãnh đạo Libya - đã công khai cáo buộc ông Sarkozy từng nhận tiền từ Libya và yêu cầu ông phải trả lại số tiền đó cho người dân Libya.
Một nhân vật quan trọng trong vụ án là ông Ziad Takieddine - nhà môi giới vũ khí người Pháp gốc Liban, có quan hệ mật thiết với các chính trị gia cánh hữu Pháp trong đó có ông Sarkozy. Theo lời khai của ông Takieddine, ông là người đã làm trung gian giới thiệu ông Sarkozy với ông Gaddafi và trực tiếp vận chuyển nhiều vali tiền mặt từ Libya sang Pháp để tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Sarkozy.
Trước đó, ông Takieddine đã bị điều tra trong một vụ án bán vũ khí trái phép - được gọi là vụ Karachi - liên quan đến các khoản tiền bị nghi ngờ tài trợ cho chiến dịch tranh cử của cựu Thủ tướng Pháp Edouard Balladur năm 1995. Trong quá trình thẩm vấn,tải go88 ông bất ngờ đề cập đến khoản tiền 50 triệu euro từ Libya dành cho ông Sarkozy. Đến năm 2018, ông Takieddine tiếp tục khai với Mediapart rằng ông đã đích thân vận chuyển các vali tiền mặt giữa Libya và Pháp.
Tuy nhiên, đến năm 2020, khi đang chạy trốn ở Liban để tránh án tù 5 năm vì vụ Karachi, ông Takieddine bất ngờ rút lại lời khai và tuyên bố rằng những cáo buộc trước đây của ông đối với ông Sarkozy là không chính xác và nội dung đã bị cắt xén. Trước sự mâu thuẫn này, các công tố viên Pháp đang điều tra xem có hay không sự can thiệp nhằm thay đổi lời khai của ông Takieddine, trong đó ông Sarkozy và bà Carla Bruni-Sarkozy cũng bị đưa vào diện điều tra.
Trong vụ án lần này, ông Sarkozy bị truy tố với hàng loạt tội danh, bao gồm đồng lõa trong hoạt động tài trợ tranh cử bất hợp pháp, rửa tiền và tham nhũng thụ động. Ngoài ông Sarkozy, một số cựu quan chức cấp cao cũng bị xét xử như Claude Gueant và Brice Hortefeux (hai cựu Bộ trưởng Nội vụ dưới thời ông Sarkozy) cùng Eric Woerth, cựu Bộ trưởng Ngân sách - hiện là Nghị sĩ thuộc đảng của Tổng thống Emmanuel Macron. Tất cả các bị cáo đều bác bỏ cáo buộc.
Đây là vụ án hình sự thứ ba mà ông Sarkozy phải đối mặt kể từ khi rời Điện Elysee vào năm 2012. Trước đó vào năm 2021, ông đã bị kết án 1 năm tù giam vì cố ý vượt quá giới hạn chi tiêu trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012. Dù bản án đã được tòa phúc thẩm giữ nguyên, ông Sarkozy đã tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Tối cao Pháp và hiện vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.
Trong suốt quá trình điều tra và truy tố, ông Sarkozy nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định mình là nạn nhân của một âm mưu chính trị.